181 lượt xem

Hỏi đáp về bệnh sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính đã có vắc xin phòng bệnh, được phân loại thuộc nhóm B. Bệnh dễ lây và có thể gây bệnh nặng thậm chí tử vong. Phòng dịch sởi chỉ khi đạt được miễn dịch cộng đồng trên 95%.

Hình ảnh: chích ngừa vắc xin sởi tại Trạm Y tế phường Tân Hưng, quận 7

1. Bệnh sởi là gì?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Sởi là bệnh đã có vắc xin phòng ngừa.

2. Ai có thể mắc bệnh sởi ?

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có thể mắc bệnh sởi.

3. Bệnh sởi có nguy hiểm không?

Bệnh sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em nhất là trẻ nhỏ, trẻ có bệnh lý nền. Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh khác. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi sẽ khiến bệnh diễn biến nặng.

4. Bệnh sởi có điều trị được không?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi. Điều trị hiện nay chủ yếu là giải quyết các triệu chứng bệnh và các biến chứng nếu có.

5. Bệnh sởi lây thế nào?

Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng của bệnh nhân. Ngoài ra bệnh có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

6. Vì sao cần phải tiêm vắc xin sởi?

Bệnh sởi rất dễ lây. Sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng chỉ có thể được ngăn chặn khi đạt được miễn dịch cộng đồng trên 95%. Do đó, tiêm vắc xin sởi đúng liều đủ lịch là rất quan trọng.

7. Bệnh Sởi có biểu hiện như thế nào?

Trong vòng 7-21 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút sởi, bệnh nhân sẽ có biểu hiện như: sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình, rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên.

8. Nếu bị phát ban nghi mắc sởi thì nên làm gì?

Nếu bạn có dấu hiệu sốt, phát ban nghi sởi cần đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn phòng chống lây nhiễm.

9. Nếu nghi mắc sởi thì khi đi khám bệnh cần lưu ý những gì?

Nếu bạn có dấu hiệu nghi mắc sởi hoặc có triệu chứng về hô hấp như ho, sổ mũi, đau họng… thì cần mang khẩu trang khi đi khám bệnh. Các bệnh viện sẽ bố trí khu vực tiếp nhận bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt.

10. Phòng bệnh sởi bằng cách nào?

Sởi là bệnh có vắc xin nên tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh. Bên cạnh đó, khi xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch trong cộng đồng thì ngành y tế sẽ triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.

Các biện pháp bao gồm: cách ly bệnh nhân, điều tra dịch tể, xử lý môi trường nơi ở của bệnh nhân, theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc gần, tổ chức tiêm bù… để hạn chế bệnh tiếp tục lây lan.

Vi rút sởi có khả năng lây truyền cao qua đường hô hấp, nên khi có dịch cần hạn chế tập trung đông người; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; vệ sinh khử trùng đồ chơi, tay nắm cửa, khu vực bàn tay thường xuyên tiếp xúc…

11. Lịch tiêm chủng sởi ra sao?

Lịch tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 2 liều, liều thứ nhất cần bắt đầu sớm ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Việc tiêm vắc xin sởi đúng lịch, đầy đủ là vô cùng quan trọng để tạo được miễn dịch sớm bảo vệ trẻ không bị mắc bệnh. Nếu phụ huynh trì hoãn để trẻ tiêm vắc xin muộn sẽ có dẫn đến trẻ có nguy cơ mắc bệnh sởi trước khi được tiêm chủng.

13. Vì sao phải tiêm hai liều vắc xin sởi?

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm vắc xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch nhiều yếu tố.

Việc tiêm mũi sởi thứ 2 khi trẻ 18 tháng là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.

Hiện nay tỷ lệ tiêm mũi sởi thứ 2 tại TP. Hồ Chí Minh ở trẻ sinh năm 2019-2022 đều chưa đạt tỷ lệ 95% trên quy mô thành phố. Do đó, nếu trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 liều vắc xin sởi, phụ huynh hãy nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng.

14. Vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng có an toàn không?

Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vắc xin khác: sốt, phát ban, sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm… Hầu hết tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày.

Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin sởi là rất hiếm gặp, nhưng cũng có thể xảy ra. Do đó, các cơ sở tiêm chủng đều đảm bảo các quy trình an toàn tiêm chủng, sẵn sàng các biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.

Nguồn tham khảo: Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế