287 lượt xem

Chưa thể đặt dấu chấm hết cho đại dịch Covid-19

Chiều 8.5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN và đại diện Bộ Y tế đã trả lời báo chí về diễn biến dịch sau khi Covid-19 được tuyên bố không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
𝐂𝐡𝐮̛𝐚 𝐤𝐞̂́𝐭 𝐭𝐡𝐮́𝐜 đ𝐚̣𝐢 𝐝𝐢̣𝐜𝐡
Trao đổi với báo chí, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại VN, chia sẻ: “Tôi luôn giữ khẩu trang bên mình. Tuần trước tôi vừa mắc Covid-19. Thực tế cho thấy Covid-19 vẫn hiện hữu”. Theo TS Pratt, hiện các ca nặng và tử vong do Covid-19 đã giảm, người dân có miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng, nhưng không có nghĩa Covid-19 ít nguy hiểm hơn hay đã hết đe dọa sức khỏe cộng đồng.
“Covid-19 không thể như cúm mùa dù có một số hiện tượng tương đồng. Covid-19 có khác biệt lớn, bởi bệnh này không theo mùa, trong khi cúm mùa thường vào mùa đông. Covid-19 hiện vẫn là bệnh vô cùng mới vì chúng ta mới có 4 năm làm quen, trong khi cúm mùa đã trải qua hàng chục năm nghiên cứu. Do đó, WHO chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chấm dứt đại dịch Covid-19”, Trưởng đại diện WHO tại VN nhấn mạnh.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM. (Duy Tính)

TS Angela Pratt đánh giá VN có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất trong khu vực, đồng thời khuyến nghị cần duy trì thành tựu quốc gia đã đạt được và chuẩn bị cho tình huống xảy ra trong tương lai do vi rút gây dịch vẫn biến đổi khó lường.
𝐃𝐢 𝐜𝐡𝐮𝐲𝐞̂̉𝐧 𝐤𝐡𝐚̆́𝐩 𝐧𝐨̛𝐢
GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết VN có các kịch bản phòng chống dịch linh hoạt, lâu dài vì vi rút biến đổi khôn lường. Cập nhật mới nhất cho thấy đến ngày 8.5, Omicron đã có đến 900 biến thể phụ, dù 1 tháng trước con số này là 600. Hiện chưa ghi nhận biến đổi về độc lực nhưng chúng ta vẫn cần nghiên cứu chặt chẽ về tính chất này.
“Covid-19 di chuyển khắp nơi cùng con người, do đó phòng chống dịch Covid-19 mang tính toàn cầu chứ không riêng địa phương hay quốc gia nào”, GS Lân nói. Để tiếp tục kiểm soát dịch hiệu quả, chúng ta cần đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch luôn sẵn sàng với các tình huống dịch. Vi rút biến đổi có thể gây ra các làn sóng dịch mới. Theo GS Lân, xét trên các yếu tố chính, Covid-19 vẫn là dịch nhóm A tại VN.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị người dân tuân thủ 2K (khẩu trang, khử khuẩn), vắc xin và các biện pháp khác, mỗi cá nhân cần chủ động bảo vệ mình cũng là bảo vệ người xung quanh và cộng đồng.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay VN sẽ chú trọng giám sát ca bệnh Covid-19 nặng, vì đó là các ca “chỉ điểm” bất thường của dịch. Hiện tỷ lệ tử vong là 0,47% trong số các ca nhập viện và 0,37% so với tổng số ca mắc. Tỷ lệ này hiện thấp hơn so với tỷ lệ tử vong chung của thế giới (hiện là 0,99%). Dù vậy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại VN vẫn cao hơn so với một số bệnh truyền nhiễm khác. Với sốt xuất huyết, tỷ lệ này là 0,09%. Do đó, Covid-19 vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Hiện các ca tử vong đều là những người có nguy cơ cao (cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch).
Nguồn: thanhnien.vn