690 lượt xem

TP.HCM: Số ca tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng

Trong 2 tuần vừa qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại Thành phố đang có khuynh hướng gia tăng. Kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh nhi nặng từ tỉnh khác đến điều trị dương tính với Enterovirus 71. Đây là tác nhân có nguy cơ gây bệnh nặng. Chúng ta cần tăng cường phòng bệnh cho trẻ theo nguyên tắc 3 sạch. Đặc biệt, nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn, hướng dẫn điều trị phù hợp.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Theo ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay thành phố Hồ Chí Minh chưa ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, số ca tay chân miệng liên tục biến động, có xu hướng tăng cao ở tuần 15 và bắt đầu giảm đến tuần 19, sau đó tiếp tục tăng trở lại ở tuần 21.

Ngoài việc tiếp nhận các ca bệnh là người dân TP.HCM thì các bệnh viện của Thành phố còn tiếp nhận nhiều ca bệnh từ các tỉnh chuyển đến, trong đó đã có ca tử vong. Tình hình này cảnh báo dịch TCM tại Thành phố sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng. Chính vì vậy công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng cần được đặc biệt chú trọng.

Riêng trong tuần 21 ghi nhận 157 ca tay chân miệng, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca), trong đó số ca nội trú tăng 22% và số ca ngoại trú tăng 52%. Tại các quận, huyện, TP Thủ Đức: 14/22 quận huyện có số ca mắc tăng so với số ca mắc trung bình 4 tuần trước là quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Bình Thạnh, Cần Giờ, Hóc Môn, Tân Bình, thành phố Thủ Đức.

Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng cũng đã ghi nhận trường hợp dương tính với Enterovirus 71. Bệnh tay chân miệng chủ yếu do nhóm vi-rút đường ruột Enterovirus gây nên, 2 nhóm thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, EV71 gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trước tình hình số ca mắc Tay chân miệng gia tăng trở lại, và số ca nhập viện cũng tăng, việc hiểu biết rõ các dấu hiệu đặc trưng của bệnh cũng như các biến chứng của bệnh là vô cùng cần thiết. Các dấu hiệu đặc trưng của tay chân miệng bao gồm sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Đa số các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh Tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hoá: nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày bị nhiễm vi rút từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua các dịch tiết đường hô hấp hoặc hạt nước bọt.

Để phòng chống bệnh Tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch. Cụ thể:

1/ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

2/ Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

3/ Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4/Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở trẻ: nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng,..) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan.

5/ Khi trẻ mắc bệnh, cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng (sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi,..) để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Đặc biệt khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh